ĐẢM BẢO QUYỀN TỰ CHỦ VÀ TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH CỦA CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC


ĐẢM BẢO QUYỀN TỰ CHỦ VÀ TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH
CỦA CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

(Bài viết cho Hội thảo Tự chủ trong Giáo dục đại học – Những vấn đề đặt ra, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, 21/10/2018)



LÂM QUANG THIỆP


Bài này trình bày ngắn gọn, nhưng cố gắng đảm bảo tính hệ thống, về vấn đề quản trị và quản lý giáo dục đại học (GDĐH) trong nền kinh tế thị trường, và nêu một số giải pháp để thực hiện hệ thống quản trị và quản lý đó trong GDĐH nước ta.

1. THỰC CHẤT CỦA HỆ THỐNG QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ
GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Trước thời kỳ “đổi mới” hệ thống kinh tế xã hội nước ta nói chung và GDĐH nói riêng được quản trị và lý theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Chỉ tiêu đào tạo hàng năm được giao cho trường ĐH theo kế hoạch nhà nước, kinh phí đào tạo kể cả học bổng cho toàn bộ sinh viên (mà số lượng rất nhỏ) được Nhà nước cấp từ ngân sách, sinh viên tốt nghiệp được Nhà nước phân phối cho các cơ sở kinh tế quốc doanh và cơ quan nhà nước. Với cơ chế kế hoạch hóa tập trung cao độ đó, hiển nhiên chương trình đào tạo cũng được Nhà nước (Bộ) quy định xem như một sự đặt hàng, đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức, giáo chức chủ yếu cũng được quản lý từ Bộ, cơ quan “chủ quản” của trường ĐH.
Sau Đại hội Đảng CSVN lần thứ VI (cuối năm 1986), kinh tế xã hội nói chung và GDĐH nói riêng bước vào thời kỳ “đổi mới”. Các thể chế mới dần dần hình thành, thay thế dần các thể chế cũ. Về tài chính, trường ĐH có quyền tìm thêm các nguồn ngoài ngân  sách nhà nước, qua  học phí của  sinh viên và nhiều thu nhập khác nhờ các hợp đồng  đào tạo, nghiên cứu khoa học, sản xuất, dịch vụ xã hội. Về kế hoạch, ngoài chỉ tiêu đào tạo do Nhà nước giao, trường ĐH có thể đề xuất quy mô tuyển sinh dựa vào khả năng đào tạo của mình và nhu cầu của xã hội. Về mặt chuyên môn, trường ĐH có quyền dựa vào những định mức tổng quát của Bộ về khung chương trình và tỷ lệ các  khối kiến thức để xây dựng chương trình đào tạo các ngành chuyên  môn của mình, có quyền đề xuất các ngành đào  tạo mới khi phát hiện ra nhu cầu của xã hội, có quyền tổ chức biên soạn sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy. Về quan hệ quốc tế, trường ĐH có quyền đặt quan hệ và ký kết các văn bản hợp tác với các trường ĐH nước ngoài. Rõ ràng quyền tự chủ nói trên đã tạo điều kiện cho các trường ĐH chủ động triển khai rất nhiều hoạt động có hiệu quả, góp phần đưa hệ thống ĐH nước ta thoát ra khỏi những thời kỳ hết sức khó khăn và đem lại nhiều thành tựu mới.
Một dấu mốc quan trọng là Luật Giáo dục năm 1998 lần đầu tiên đã đưa vào hệ thống GDĐH nước ta cặp khái niệm “tự chủ và tự chịu trách nhiệm” (thực chất chúng được “dịch” từ cặp khái niệm autonomy và accountability *, mà chính xác hơn, nên dịch là “quyền tự chủ” và “trách nhiệm giải trình”).  
Khi nghiên cứu lịch sử GDĐH thế giới nhiều nhà nghiên cứu đã xem thời điểm xuất hiện các trường có quyền tự chủ chính là thời điểm xuất hiện GDĐH [The History…,1997 ]. Xét từ góc độ đó, khái niệm quyền tự chủ (autonomy) mà một khía cạnh của nó là quyền tự do học thuật (academic freedom) gắn với khái niệm “trường ĐH”. Có thể nói sự chấp nhận của xã hội về quyền tự chủ của trường ĐH là một thành tựu quan trọng trong  cuộc đấu tranh lâu dài của cộng đồng ĐH với các thế lực tôn giáo và các giới cầm quyền qua nhiều thời kỳ lịch sử. Về bản chất và chức năng, trường ĐH là nơi sáng tạo tri thức, nơi bảo tồn và chuyển giao văn hóa của dân tộc và của nhân loại. Xét theo khía cạnh đó trường ĐH nói chung cùng tồn tại và đồng hành với dân tộc và nhân loại, tức là tuổi thọ của trường ĐH nói chung dài hơn tuổi thọ của mọi tôn giáo và thể chế chính trị. Do đó, để đảm bảo cho học thuật, tri thức được phát triển một cách khách quan trong suốt chiều dài của lịch sử, không bị thần quyền ràng buộc và các thể chế chính trị nhất thời cản trở, xã hội nói chung và thậm chí giới cầm quyền cũng phải chấp nhận quyền tự chủ và tự do học thuật trong khuôn viên của trường đại học. Cần lưu ý rằng các quyền tự chủ đại học gắn liền với hàm lượng trí tuệ cao của trường đại học.
Tuy rằng xét về mặt lịch sử quyền tự chủ đại học đã đạt được sự công nhận như vậy, nhưng trong thực tế  không bao giờ có một thứ quyền tự chủ tuyệt đối. Và để đảm bảo “tính an toàn” khi nói đến quyền tự chủ đại học, người ta thường gắn quyền tự chủ với một khái niệm sóng đôi với nó là trách nhiệm giải trình.     
Như vậy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình là hai mặt đi đôi với nhau không thể tách rời.  Ở nhiều nước trên thế giới khi đảm bảo quyền tự chủ cho các trường ĐH người ta cũng đồng thời xây dựng một hệ thống hỗ trợ để nâng cao trách nhiệm giải trình của chúng. Với ý nghĩa đó, rõ ràng không thể có một quyền tự chủ tuyệt đối như một số người lầm tưởng. Ngay ở phương Tây, quan điểm tự chủ tuyệt đối cũng đã bị chính các học giả phương Tây đả phá:
"GDĐH đã tng được nhiu người xem như mt "khu vườn kín". Kh năng giao tiếp tt hơn trong nước và quc tế, và s m ca rng ri hơn trong nhiu lĩnh vc hot động khác có nghĩa là các trường ĐH không th tiếp tc np sau tm bình phong "t do hc thut" na. Các trường ĐH cn phi trình bày và gii thích rng rãi cho xã hi biết h mun làm gì và đang làm nhng vic đó tt như thế nào". ­­[Malcolm Frazer, 1994]
Vic “trình bày và giải thích rng rãi cho xã hi biết” nói trên chính là trách nhim giải trình.
Như vậy, có thể nói cặp khái niệm “quyền tự chủ” và “trách nhiệm giải trình” phản ánh một cách hàm xúc nội dung cốt lõi của hệ thống quản trị và quản lý GDĐH trong kinh tế thị trường.
Như vậy đảm bảo quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình là nội dung để thực hành hệ thống quản trị và quản lý hệ thống GDĐH nước ta ngày nay, từ sau thời điểm “đổi mới”. Chính việc làm cho quyn t ch và trách nhim giải trình trở thành si ch xuyên sut của h thng quản trị và qun lý GDĐH nước ta là nhiệm vụ quan trọng của việc đổi mới trong tiến trình hoàn thiện dần nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ ĐẢM BẢO QUYỀN TỰ CHỦ
CỦA CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Trong các điều kiện để đảm bảo quyền tự chủ cho các trường ĐH, có lẽ có hai vấn đề quan trọng nhất cần thảo luận: ở cấp độ cơ sở, là việc xây dựng và đảm bảo hoạt động tốt các hội đồng trường (HĐT); ở cấp độ hệ thống,  là việc thay đổi thể chế bộ chủ quản.
2.1. Về hội đồng trường
Về HĐT, bạn đọc có thể tham khảo đầy đủ hơn ở [Lâm Quang Thiệp, 2013], dưới đây chỉ nêu một số ý chính.
·       Hai cơ chế trong một tổ chức
Để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của một tổ chức dân chủ, việc quản trị và quản lý đòi hỏi đồng thời hai loại cơ chế: một cơ chế kiểu hội đồng để chỉ đạo hướng phát triển, tức quản trị, và một cơ chế để điều hành việc thực hiện, tức quản lý. Cơ chế thứ nhất bao gồm những người được bầu chọn, đại diện cho những nhóm người có lợi ích liên quan (stakeholders), quan hệ với nhau bình đẳng theo chiều ngang, chỉ đạo tổ chức bằng những nghị quyết của tập thể hội đồng.   Cơ chế thứ hai có cấu trúc kiểu tập quyền, tầng bậc (hierachical), quan liêu (bureaucratic), quan hệ theo kiểu trên dưới theo chiều đứng (cấp trên cử người quản lý cấp dưới, cấp dưới tuân thủ cấp trên), điều hành công việc bằng quyết định của cá nhân người phụ trách.  
Trong trường ĐH cơ chế thứ nhất chính là HĐT, cơ chế thứ hai là bộ máy lãnh đạo và quản lý của hiệu trưởng.  Các cơ chế quản trị và quản lý này được rất nhiều chuyên gia quốc tế nghiên cứu, chẳng hạn [John Carver, Miriam Carver, 2006].
·       Các chức năng và nhiệm vụ của HĐT

-                  Làm cầu nối giữa chủ sở hữu cộng đồng (các nhóm người có lợi ích liên quan) và nhà trường.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            
-                  Xây dựng chính sách, kế hoạch tổng thể, sử dụng chính sách làm công cụ để quản trị nhà trường. 
-                  Lựa chọn hiệu trưởng có năng lực đứng đầu bộ máy điều hành;
-                  Giám sát và đánh giá việc triển khai thực thi của hiệu trưởng đối với các chính sách và kế hoạch tổng thể đã được HĐT đề ra.

·       Vai trò và nhiệm vụ của hiệu trưởng 

-                  Đứng đầu bộ máy điều hành, có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng mọi chính sách và kế hoạch tổng thể mà HĐT đề ra;
-                  Làm cầu nối giữa HĐT và mọi thành viên trong trường.
-                  Chịu trách nhiệm giải trình (đại diện cho bộ máy) trước tập thể HĐT về các hoạt động của nhà trường, đảm bảo thành tựu của các chính sách được đề ra và không vi phạm những giới hạn điều hành đã được quy định.

·       Quan hệ giữa hội đồng trường với hiệu trưởng và các thành viên nhà trường

-                  HĐT lãnh đạo và quản trị trường ĐH qua hiệu trưởng chứ không trực tiếp tác động đến bộ máy của hiệu trưởng, được thực hiện bằng nghị quyết của toàn thể HĐT chứ không phải từ các thành viên trong hội đồng. Hiệu trưởng có trách nhiệm giải trình với tổng thể HĐT chứ không phải với từng thành viên của hội đồng. Quan hệ giữa hiệu trưởng và các thành viên HĐT là quan hệ cộng sự, ngang hàng chứ không phải trên dưới. Quan hệ giữa chủ tịch HĐT và hiệu trưởng cũng là quan hệ ngang hàng, hỗ trợ nhau, chứ không phải trên dưới.
-                  HĐT phải lãnh đạo chiến lược chứ không sa vào các quyết định chiến thuật, do đó khi đã có chính sách và kế hoạch tổng thể, HĐT phải trao quyền đầy đủ cho hiệu trưởng, không nên can thiệp vào việc điều hành cụ thể của hiệu trưởng.
-                  Để đảm bảo cho nhà trường được vận hành như là một thực thể tự chủ và dân chủ, không nên để hai chức vụ này cho một người kiêm nhiệm.

·     Thực trạng về việc áp dụng thể chế HĐT trong GDĐH nước ta
Cơ chế HĐT đã được đưa vào Điều lệ trường ĐH của Việt Nam từ năm 2003 nhưng cho đến năm 2010 trong cả nước chỉ khoảng 10 trường ĐH có HĐT. Lý do là phần lớn hiệu trưởng trường ĐH và một số bộ phận quản lý ở các bộ chủ quản không mặn mà với thể chế này. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là vì đây là cơ chế tạo nên sự di chuyển về quyền lực, không phải bộ phận nào trong hệ thống GDĐH cũng dễ dàng chấp nhận và thích nghi với sự dịch chuyển ấy, nên có phản ứng không thuận lợi ở nhiều cấp độ khác nhau.  Các phản ứng này có thể liên quan đến nhận thức, cũng có thể gắn với lợi ích. 
Vấn đề HĐT cũng là một trong các vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất khi xây dựng Luật GDĐH. Sau khi được khẳng định trong Luật GDĐH năm 2012 và Điều lệ trường ĐH năm 2014, HĐT mới được thành lập trong nhiều trường ĐH. Tuy số lượng HĐT có tăng nhưng tác dụng của HĐT cũng còn rất nhiều vấn đề, đó là các ý kiến được phản ánh tại Hội thảo về vấn đề này của Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam vào tháng 4 năm 2017 [Hội đồng trường…, 2017].
Tác dụng rất hạn chế của HĐT có thể do các nguyên nhân sau đây:

-                  Vị thế của chủ tịch HĐT phần lớn là thấp hơn vị thế của hiệu trưởng.
-                  Chưa có quan niệm thống nhất về chức năng khác nhau của của Đảng ủy và của HĐT.
-                  Cơ chế “bộ chủ quản” và “trường trực thuộc” vô hiệu hóa tác dụng của HĐT.
Sau đây xin phân tích rõ hơn tác động của hai nguyên nhân đầu, còn nguyên nhân thứ ba sẽ đề cập sâu hơn ở phần 2.2.
Trong Hội thảo của Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam đã nêu trên đây có nhiều ý kiến nói đề về vị thế thấp của chủ tịch HĐT.  Từ thống kê của Bộ GD&ĐT vào tháng 3/2017 trong 16 chủ tịch HĐT của các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT có 12 người vốn là trưởng khoa hoặc trưởng phòng của trường, 4 người vốn là phó hiệu trưởng. Rõ ràng “vị thế” thấp của chủ tịch HĐT so với hiệu trưởng như vậy tất yếu ảnh hưởng đến “vị thế” của bản thân HĐT.
Một vấn đề cũng được nhiều người đặt ra khi bàn về chủ đề HĐT ở trường ĐH, đó là vấn đề liên quan đến tổ chức Đảng trong nhà trường. Một lập luận phổ biến là, khi đã nói Đảng lãnh đạo toàn diện thì không cần thiết HĐT, vì sự lãnh đạo của HĐT sẽ chồng chéo với sự lãnh đạo của Đảng ủy trường ĐH. Tuy nhiên, có hai ý kiến phản bác lại lập luận này. Một là, HĐT là đại diện của sở hữu cộng đồng, bao gồm cả các phía có lợi ích liên quan cả ở bên trong và bên ngoài trường ĐH, còn Đảng ủy chỉ đại diện cho tổ chức Đảng bên trong nhà trường. Hai là, HĐT là cơ quan quyền lực, lãnh đạo cụ thể, còn Đảng ủy là cơ quan lãnh đạo về chính trị tư tưởng.  Hơn nữa, trong một hội thảo về quản trị GDĐH, một cán bộ cao cấp chuyên nghiệp của Đảng đã phân tích như sau: Đảng lãnh đạo dựa vào hệ thống giá trị mà Đảng theo đuổi chứ không phải dựa vào sự áp đặt bằng quyền lực. HĐT là một thực thể quyền lực. Sự lãnh đạo của Đảng ủy sẽ hỗ trợ những quyết định đúng đắn của HĐT và ngăn chặn những quyết định không đúng đắn, do đó sẽ tạo sự đồng thuận trong nhà trường để nhà trường phát triển tốt. Nếu Đảng ủy dùng quyền lực của mình khi lãnh đạo trường ĐH thì sẽ dễ bị thoái hóa. Chính trong thời kỳ hoạt động bí mật uy tín và hiệu quả lãnh đạo của Đảng rất cao vì phong cách lãnh đạo dựa vào hệ thống giá trị nói trên chứ không dựa vào quyền lực.
Theo quy định hiện hành trong HĐT có bí thư Đảng ủy. Bí thư là người sẽ đại diện của tổ chức Đảng thông báo các chủ trương, nghị quyết của Đảng cho HĐT và thuyết phục để HĐT thực hiện các chủ trương, nghị quyết đó. Một giải pháp khác có thể thực hiện là cử bí thư Đảng ủy làm chủ tịch HĐT. Ở nước ta đã có nơi áp dụng giải pháp này, như ĐH Mở Hà Nội. Đây cũng là giải pháp của nhiều trường ĐH Trung Quốc. 

2.2. Về thể chế “bộ chủ quản” và “trường trực thuộc”
Bộ chủ quản của các trường ĐH công lập dưới thời kế hoạch hóa tập trung có quyền quyết định mọi vấn đề của trường ĐH, còn cơ quan điều hành trường ĐH phải thực hiện mọi việc theo quyết định “từ trên”. Trong quá trình đổi mới GDĐH, cơ chế quản lý đó cũng được cải tiến dần, trường ĐH được dần dần giao quyền tự chủ về nhiều mặt. Tuy nhiên, cho đến nay, hai lĩnh vực quyết định quan trọng nhất trong hoạt động của trường ĐH trực thuộc phần lớn vẫn nằm trong tay bộ chủ quản, đó là tài chính và nhân sự.  Cụ thể là, kinh phí hàng năm cho các trường ĐH do Bộ chủ quản phân phối sau khi Bộ nhận từ ngân sách nhà nước, các nhân sự quan trọng nhất của trường ĐH, trong đó có hiệu trưởng, hiệu phó, do bộ chủ quản bổ nhiệm và miễn niệm. Bộ chủ quản có cơ chế kiểm soát trường trực thuộc về nhiều mặt, và trường trực thuộc có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện công việc với Bộ chủ quản. Trường ĐH không có quyền tự quyết định đối với nhiều vấn đề, điều đó làm cho sự đáp ứng đối với các biến động của thị trường thường không được nhanh nhạy, các trường khó thích nghi với thị trường.  
Nhận thấy sự cản trở đó của cơ chế bộ chủ quản, trong Nghị quyết 14/2005/NQ-CP năm 2005 của  Chính phủ về đổi mới GDĐH đã đưa ra chủ trương “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các trường ĐH công lập”.
Cho đến nay quy định trong Nghị quyết 14 năm 2005 về “xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản” vẫn chưa được thể chế hóa cụ thể. Gần đây, Nghị quyết 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ lại  nói rõ là cần phải: “giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (HĐT)”.  Các ý tưởng rất rõ này cần được cần thể chế hóa và đưa vào Luật GDĐH sửa đổi. 
 Ngoài ra, cần rà soát hệ thống các văn bản luật và dưới luật có liên quan tới bộ chủ quản và có phương án chỉnh sửa những quy định không tương thích. Có thể dẫn một trong những ví dụ về sự không tương thích đó ở Quyết định 7939/QĐ-BGĐT ngày 20/11/2008 quy định về quyền của Vụ Tổ chức Cán bộ trong việc đề cử hiệu trưởng các trường ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT. Có thể tìm thấy các quy định tương tự của các bộ ngành khác.
Tất cả các khuyến nghị được đề xuất trên đây là không đơn giản, động đến cả hệ thống tổ chức và quản lý GDĐH hiện có ở nước ta, do đó muốn thực hiện được phải có quyết tâm của cấp quản lý cao nhất trong hệ thống.  Nếu những người lãnh đạo thấy rõ vấn đề và có quyết tâm chính trị cao, nếu cộng đồng GDĐH kiên trì đấu tranh để những thể chế mới và đúng đắn được xác lập thì có thể hy vọng chúng ta sẽ xây dựng được một hệ thống GDĐH phát triển nhanh và lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

3. CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH
 CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

3.1. Trách nhiệm giải trình với ai?
Như đã nói ở phần 1, Khi có quyền tự chủ, trường ĐH đồng thời phải thực hiện trách nhiệm giải trình.  Giải trình với ai? Theo quan niệm của cộng đồng GDĐH thê giới, giải trình đối với các phía có lợi ích liên quan (stakeholders) với trường ĐH, lần lượt là: Nhà nước, nhà tài trợ, sinh viên, phụ huynh sinh viên, giáo chức, những người sử dụng sản phẩm của trường ĐH,  và xã hội nói chung.
Như vậy, phạm vi của đối tượng giải trình rất rộng, phải có cơ chế rõ ràng để thực hiện trách nhiệm giải trình đó. 

3.2. Một vài biện pháp thực hiện trách nhiệm giải trình
·       Hệ thống đảm bảo chất lượng
             Một thể chế hết sức quan trọng để thực hiện trách nhiệm giải trình của trường ĐH là hệ thống đảm bảo chất lượng (quality assurance) cho GDĐH. Trong từng trường ĐH, hệ thống này đảm bảo cho mọi khâu của hệ thống đào tạo và các hoạt động khác của nhà trường được thực hiện một cách đúng đắn như đã cam kết hoặc đã được quy định. Gắn liền với hệ thống này, quy trình kiểm định công nhận (accreditation) xuyên suốt từ hoạt động tự đánh giá, khảo sát tại chỗ của đồng nghiệp và quyết định công nhận chất lượng của các cơ quan kiểm định độc lập sẽ hỗ trợ cho nhà trường giải trình các hoạt động của mình cho các nhóm người có lợi ích liên quan và cho xã hội. 
            Sau khi chính thức đưa hoạt động đảm bảo chất lượng vào hệ thống GDĐH từ năm 2003, trong mấy năm qua Bộ GD&ĐT đã thực hiện một số cải tiến đối với hệ thống đảm bảo chất lượng và quy trình kiểm định công nhận chất lượng. Các cải tiến đáng ghi nhận là việc cấp phép thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng độc lập và việc đưa vào một quy trình rõ ràng và một hệ thống tiêu chuẩn toàn diện (25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí) để kiểm định công nhận chất lượng theo thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT. 
Triển khai thực hiện nghiêm túc hệ thống đảm bảo chất lượng và quy trình kiểm định công nhận chất lượng chính là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện trách nhiệm giải trình của trường ĐH.
·     Thực hiện “ba công khai”
Trực tiếp liên quan với trách nhiệm giải trình và hệ thống đảm bảo chất lượng, trong nhiều năm qua Bộ GD&ĐT phát động và triển khai thực hiện “ba công khai” đối với các trường ĐH. Nộidung của ba công khai là: công khai cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính. Gần đây Bộ GD&ĐT đã ra thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT quy định tỷ mỉ về quy trình ba công khai, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ quy trình này.
***
Tóm lại, cặp khái niệm “quyền tự chủ” và “trách nhiệm giải trình” phản ánh một cách hàm xúc nội dung cốt lõi của hệ thống quản trị và quản lý GDĐH trong nền kinh tế thị trường. Để thực hiện quyền tự chủ của cơ sở GDĐH, cần thành lập HĐT với ý nghĩa là cơ quan quản trị có quyền lực cao nhất nhà trường, đảm bảo triển khai hoạt động của HĐT thật sự có hiệu quả, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế bộ chủ quản và trường trực thuộc.  Khi thực thi quyền tự chủ, trường ĐH đồng thời phải tuân thủ trách nhiệm giải trình đầy đủ, trong đó có việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng toàn diện, bao gồm việc nghiêm túc tuân thủ quy chế ba công khai.
Hy vọng hệ thống GDĐH nước ta sẽ phát triển bền vững khi thực hiện hài hòa hệ thống quản trị và quản lý nói trên.
Hà Nội, 9/2018
_______________________
I LIỆU DN
1.      The History of Higher Education, 1997. ASHE Reader Series, Simon & Schuster Custom Publishing. 
2.      Malcolm Frazer, 1994. "Quality in Higher Education: An International Perspective"- trong : "What is Quality in Higher Education?", edited by Diana Green. Society for Research into Higher Education & Open University Press, London.
3.      John Carver, Miriam Carver, 2006. Reinventing Your Board. Jossey-Bass Publishers.
4.      Lâm Quang Thiệp, 2013. "Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học công lập nước ta".  Báo cáo thường niên giáo dục Việt Nam. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  1. Hội đồng trường - Khâu đột phá trong việc thực hiện tự chủ đại học, 2017. Tài liệu hội thảo của Hiệp hội các trường ĐH và cao đẳng Việt Nam, tháng 4/2017.
___________________________


*)                  Cặp khái niệm sóng đôi autonomyaccountability đã được thừa nhận rộng rải trong cộng đồng GDĐH thế giới, nhưng là các khái niệm tương đối mới ở nước ta, do đó Luật Giáo dục đầu tiên của nước ta ra đời vào 1998 đã “dịch” khái niệm sau là “tự chịu trách nhiệm”.  Thực ra khái niệm accountability nói lên trách nhiệm giải trình của trường ĐH đối với các “nhóm người có lợi ích liên quan” (“stakeholders”, thường là: người cung cấp tài chính cho nhà trường - nhà nước, nhà tài trợ -, sinh viên, phụ huynh sinh viên, giáo chức, các đối tượng sử dụng sản phẩm của trường đại học, địa phương gắn với địa bàn phục vụ chính của trường…). Theo nội dung đó, thuật ngữ “tự chịu trách nhiệm” không nói hết ý nghĩa của khái niệm mà đôi khi bị hiểu ngược lại. Thuật ngữ accountability nên được dịch chính xác là “trách nhiệm giải trình”.
Qua rất nhiều lần đề nghị của tác giả cùng nhiều chuyên gia GDĐH khác, hy vọng trong Luât GD và Luật GDĐH sửa đổi vào cuối năm nay cụm từ “tự chịu trách nhiệm” sẽ được thay thế bằng cụm từ “trách nhiệm giải trình”.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sách "ĐO LƯỜNG TRONG GIÁO DỤC - LÝ THUYẾT VÀ ỨNG DỤNG"

PHẦN MỀM VITESTA VÀ VIỆC PHÂN TÍCH KẾT QUẢ TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN

Đổi mới giáo dục đại học - thập niên đầu tiên