CÁC CẢN TRỞ LỚN TRÊN CON ĐƯỜNG PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP THẾ GIỚI ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC NƯỚC TA



CÁC CẢN TRỞ LỚN TRÊN CON ĐƯỜNG
PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP THẾ GIỚI
ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC NƯỚC TA
GS.TSKH. LÂM QUANG THIỆP
 Trường Đại học Thăng Long

(Trình bày tại Hội thảo “Tài cấu trúc hệ thống Giáo dục đại học và Giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam cho các thập niên đầu thế kỷ 21”-
Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, 12/06/2019)


TÓM TẮT
            Sự tách rời giữa hệ thống các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn, và việc vắng mặt các trường đại học đa lĩnh vực là hai tàn tích của mô hình Liên Xô cũ. Đây chính là hai cản trở lớn làm cho khối các nước kinh tế chuyển đổi có rất ít trường đại học đẳng cấp thế giới. Trung Quốc đã bứt phá khỏi tình trạng này vì đã cố gắng khắc phục các tàn tích đó. Muốn sớm có các trường đại học đẳng cấp thế giới, Việt Nam cần quyết tâm cao trong việc khắc phục các cản trở nói trên.

1.    Xếp hạng các trường đại học thế giới

Phấn đấu để có các trường đại học (ĐH) đẳng cấp thế giới, nằm trong các tốp đầu của các bảng xếp hạng các trường ĐH, là mục tiêu của nhiều quốc gia. Tuy nhiên hiện thực mục tiêu nói trên không đơn giản.  Muốn thúc đẩy việc đạt mục tiêu đó cần xem xét những yếu tố nào giúp sớm đạt được cũng như những yếu tố nào cản trở mục tiêu. Bài viết này nhằm khảo sát yếu tố sau, tức là xem xét các cản trở lớn trong tiến trình phấn đấu nói trên, đối vối các trường ĐH nước ta.
Trước hết hãy tham khảo việc xếp hạng các trường ĐH trên thế giới. Trong vài thập niên qua rất nhiều hoạt động xếp hạng các trường ĐH được nhiều tổ chức giáo dục thực hiện. Tuy hoạt động xếp hạng còn tồn tại nhiều vấn đề [P. Altbach, 2006], và chưa có hệ thống xếp hạng nào được xem là hoàn toàn chính xác, nhưng cũng có một số tổ chức xếp hạng được chấp nhận tương đối rộng rãi. Một trong các tổ chức  đó là “Xếp hạng về học thuật các trường ĐH thế giới” (the Academic Ranking of World Universities - ARWU) do ĐH Thượng Hải triển khai [en.wikipedia.org, 2019]. Bảng 1 cho thấy phân bố số trường ĐH trong tốp 100 trường hàng đầu của các quốc gia được xếp hạng vào năm 2018 [ARWU2018.html, 2019]. Từ Bảng 1 có thể thấy trong tốp 100 trường đầu bảng gần một nửa là của Hoa Kỳ, sau đó là của một số nước OECD. Còn trong khối kinh tế chuyển đổi, nước phát triển nhất là Liên bang Nga chỉ có một trường góp mặt (ĐHQG Moscow). Trong khối này, Trung Quốc là nước đặc biệt vượt lên được (có 3 trường: ĐH Thanh Hoa, ĐH Bắc Kinh, ĐH Triết Giang). Từ khối ASIAN, Singapore có 2 trường trong tốp 100 (ĐH quốc gia Singapore và ĐH Công nghệ Nanyang), 1 trường trong nhóm 500-1000; Malaysia có 2 trường trong tôp 500 (ĐH Malaysia, ĐH Khoa học Malaysia) và 3 trường trong nhóm 500 -1000; Thái Lan có 4 trường trong nhóm 500-1000. Các nước còn lại trong ASIAN, kể cả Việt Nam, không có trường nào vào được tốp 1000. Kết quả của các tổ chức xếp hạng khác, như “Times Higher Education World University Rankings” [THE Ranking, 2019] có khác chút ít về chi tiết nhưng cũng tương tự về tổng thể. Nhân đây có thể nhớ lại, như một chuyện đùa, là cách đây 10 năm, một mục tiêu rất hoang tưởng đã được đưa ra cho nước ta là phấn đấu để có trường nằm trong tốp 200 ĐH hàng đầu thế giới vào năm 2020!
Tại sao số trường ĐH đẳng cấp thế giới của khối nước kinh tế chuyển đổi lại ít như vậy?  Liên bang Nga là một nước rất mạnh về khoa học, đặc biệt là khoa học quân sự và vũ trụ, nhưng chỉ có một trường góp mặt? Và tại sao Trung Quốc, cũng là một nước kinh tế chuyển đổi, lại bứt lên được?
Chúng tôi nghĩ, có thể có hai nguyên nhân quan trọng về sự yếu kém của GDĐH các nước kinh tế chuyển đổi, do ảnh hưởng của tàn tích mô hình Liên Xô cũ: một là sự tách rời giữa hệ thống trường ĐH và các viện nghiên cứu lớn, hai là các trường ĐH phần lớn theo mô hình đơn ngành đơn lĩnh vực. Còn Trung Quốc bứt lên được cũng có phần do khắc phục được các nhược điểm nêu trên.  Chúng ta hãy phân tích các nguyên nhân nói trên, gắn với tình hình nước ta.

2.    Sự tách rời giữa hệ thống các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn

·               Từ khi đất nước thống nhất đến khi bắt đầu “đổi mới”,  hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) và nghiên cứu của cả nước ta được xây dựng theo mô hình Liên Xô, là mô hình có hai đặc điểm nói trên, liên quan đến vấn đề mà chúng ta đang quan tâm.  Ở đây trước hết chúng ta đề cập đến đặc điểm thứ nhất, tại mục 3 chúng ta sẽ xem xét đặc điểm trhứ hai.
Hệ thống các viện nghiên cứu mạnh tách biệt nói trên của Liên Xô đã từng đóng góp quan trọng để nâng cao kỹ thuật quân sự phục vụ cuộc kháng chiến chống phát xít, và đặc biệt trong công cuộc nghiên cứu vũ trụ. Tuy nhiên mô hình tổ chức hệ thống nêu trên tác động xấu đến chất lượng các trường ĐH mà một trong hai chức năng hàng đầu là nghiên cứu. Với mô hình đó, kinh phí nghiên cứu do Nhà nước tài trợ chủ yếu dành cho các viện nghiên cứu ngoài trường ĐH, và sinh viên các trường ĐH không được tập dượt nhờ phụ giúp các nhà nghiên cứu, còn các nhà nghiên cứu thì không có sinh viên để truyền thụ. Tình trạng đó ảnh hưởng xấu đến chất lượng nghiên cứu ở các trường ĐH, và khi hoạt động nghiên cứu không tốt thì chất lượng giảng dạy cũng yếu kém.
·               Để so sánh, chúng ta hãy xem xét tổ chức hệ thống nghiên cứu và giảng dạy trong các trường ĐH Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ phần lớn các viện nghiên cứu nằm trong các trường ĐH, trừ một số tổ chức nghiên cứu lớn như NASA (National Aeronautics and Space Administration) và vài tổ chức khác. Tuy nhiên, NASA và các tổ chức quan trọng đó cũng sử dụng nhân lực nghiên cứu chủ yếu từ các trường ĐH [Science policy, Wikipedia,2019]. 
Khi bàn về các chính sách nghiên cứu và GDĐH của Hoa Kỳ người ta thường nhắc đến một báo cáo quan trọng của Vannevar Bush, cố vấn khoa học của Tổng thống Truman vào năm 1945, với tựa đề là “Science – The Endless Frontier”. Trong báo cáo có nêu 3 nguyên tắc làm nền tảng cho sự hỗ trợ của quốc gia đối với nghiên cứu, đó là: 1) Nhà nước trung ương chịu trách nhiệm chính tài trợ cho khoa học cơ bản; 2) Các trường ĐH – chứ không phải các viện nghiên cứu thuần túy không giảng dạy - là các cơ sở được ưu tiên triển khai các nghiên cứu  do Nhà nước tài trợ; và 3) tuy các đề tài nghiên cứu được Nhà nước cấp kinh phí nhưng phải qua quá trình  đánh giá có tính cạnh tranh cao bởi các đồng nghiệp xem xét độc lập chỉ trên cơ sở trình độ  khoa học chứ không phải dựa vào chính trị hoặc thương mại. Ông cũng đề nghị đẩy mạnh nghiên cứu trong 3 lĩnh vực: quốc phòng, y tế và kinh tế [Science The Endless Frontier, 1945 ]. Các nguyên tắc mà Bush đề ra đã được áp dụng ở Hoa Kỳ cho đến ngày nay, và là một trong các đảm bảo thành công lớn của hệ thống khoa học và GDĐH Hoa Kỳ. 
·               Ở Việt Nam, cho đến năm 1992 hệ thống nghiên cứu quan trọng vẫn tồn tại theo mô hình Liên Xô: cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu là Ủy ban Khoa học Nhà nước, hai cơ quan nghiên cứu lớn bao trùm (theo kiểu Viện hàn lâm Khoa học ở Liên Xô) là Viện Khoa học Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Nhận thức được sự cần thiết phải hợp nhất lực lượng nghiên cứu và các trường ĐH, năm 1992 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ) đã chỉ đạo trong Quyết định số 324-CT ngày 11/9/1992 về việc “tổ chức lại mạng lưới các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”, với ý đồ nêu ngay ở Điều 1 là: “Gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo: coi các trường ĐH và các cơ quan khoa học và công nghệ (KH&CN) là một hệ thống thống nhất, cần có sự sắp xếp, phân công hợp lý và kết hợp chặt chẽ nhằm phát huy tối đa năng lực của lực lượng cán bộ KH&CN của cả nước, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học”. Trên cơ sở đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo: “1) Thành lập hai trung tâm khoa học quốc gia (về khoa học tự nhiên và công nghệ, về khoa học xã hội và nhân văn) và một số trường ĐH trọng điểm quốc gia, trên cơ sở sắp xếp lại các viện nghiên cứu quốc gia và một số trường ĐH hiện có. 2) Tổ chức lại các bộ môn, khoa, viện trong các trường ĐH với sự phân công hợp lý giữa các trường ĐH và các cơ quan KH&CN khác”. Tuy nhiên, do sức ỳ của hệ thống tổ chức cũ, ý đồ của Thủ tướng Chính phủ muốn hợp nhất hai hệ thống GDĐH và nghiên cứu không thành. Hai cơ sở nghiên cứu lớn nói trên được đổi tên nhiều lần, nhưng trhực chất vẫn như cũ. Đến năm 2012, chúng lại được đổi tên thành hai viện hàn lâm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Như vậy là ý tưởng hợp nhất hai hệ thống GDĐH và nghiên cứu trước đây của Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ năm 1992 không được kế thừa, mà sự tách biệt còn trở nên nặng nề hơn, đúng theo mô hình của Liên Xô trước đây.  Ở nước ta, sự bảo thủ của hệ thống thật là đáng sợ!

Rõ ràng sự tách rời giữa hệ thống GDĐH nước ta với hệ thống các tổ chức nghiên cứu quan trọng nhất đất nước đã và đang làm yếu các trường ĐH, đặc biệt là các ĐH hàng đầu nước ta, gây cản trở lớn đối với quá trình phấn đấu thành ĐH đẳng cấp thế giới.

3.    Việc không có trường đại học theo mô hình đại học đa lĩnh vực thật sự

·               Ở Hoa Kỳ có khoảng 4500 trường ĐH và cao đẳng, chia làm 2 nhóm lớn, khoảng  2800 trường ĐH bốn năm (four-year colleges) và khoảng 1700 trường ĐH hai năm (two-year colleges).  ”ĐH 4 năm” là thuật ngữ để gọi chung các trường có đào tạo từ bằng cử nhân (bachelor) trở lên. ”ĐH 2 năm” là thuật ngữ để gọi chung các trường cao đẳng (junior college) hoặc cao đẳng cộng đồng (community college), đó là các trường cung cấp các chương trình học nghề sau trung học hoặc các chương trình chuyển tiếp (transfer) cấp các loại “associate degree” để có thể  tiếp tục học ở các trường ĐH bốn năm [Lâm Quang Thiệp, Bruce Johnstone, Philip  Altbach, 2007]. Phần lớn ĐH 4 năm ở Hoa Kỳ được tổ chức theo mô hình “university”, tức là trường ĐH đa lĩnh vực, một mô hình trường ĐH có hiệu quả cao nhất. Sở dĩ mô hình ĐH đa lĩnh vực có hiệu quả cao nhất vì các lý do sau đây. Một là, các ĐH đa lĩnh vực sẽ đảm bảo đào tạo tốt các chương trình “giáo dục khai phóng” [Lâm Quang Thiệp, 2018], xu hướng GDĐH chủ đạo ở Hoa Kỳ, vì chỉ trong các university mới có đủ đội ngũ giáo sư, giảng viên có trình độ cao để giảng dạy tốt các chương trình giáo dục này. Hai là, các ĐH đa lĩnh vực có ưu thế về nghiên cứu và phục vụ xã hội, vì ngày nay các đề tài nghiên cứu lớn đều là các đề tài có tính liên ngành, các hoạt động phục vụ xã hội cũng vậy. Ba là, ĐH đa lĩnh vực bao gồm nhiều ngành đào tạo khác nhau dễ đối phó với sự biến động về nhu cầu của từng nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường.  Chính vì ưu thế của mô hình ĐH đa lĩnh vực nên khi chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, nhiều nước đã chuyển các trường ĐH đơn ngành hoặc đơn lĩnh vực sang ĐH đa lĩnh vực (Liên bang Nga, Trung Quốc, các nước Đông Âu).

·               Vào đầu thập niên 1990, khi Chính phủ chủ trương xây dựng một số trường ĐH mạnh cho nước ta, Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu Bộ GD&ĐT thiết kế các ĐH này. Theo yêu cầu đó Bộ đã đề nghị xây dựng hai ĐH quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ba ĐH vùng Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng theo mô hình ĐH đa lĩnh vực [Hiệp hội.., 2017]. Tuy nhiên việc thực hiện đã diễn ra không đúng như thiết kế, lý do chủ yếu là các trường thành viên phản đối việc sáp nhập, vì mất nhiều “ghế” quản lý. Các nhà tổ chức phải thỏa hiệp bằng cách hứa hẹn giữ nguyên vị trí các trường thành viên, không thay đổi các chức vụ quản lý trước đây, do đó các quy chế tổ chức được xây dựng theo mô hình ĐH hai cấp. Theo mô hình này, hoạt động trong các trường thành viên hầu như vẫn giữ như cũ, sự kết nối giữa các trường thành viên với nhau rất lỏng lẻo, và cấp quản lý trên cùng của “ĐH” thực hiện một cơ chế quản lý trung gian gián tiếp, giống như các “bộ ĐH” nhỏ. Mô hình thực tế của các ĐH quốc gia và ĐH vùng đã vô hiệu hóa hoàn toàn các ưu thế của mô hình ĐH đa lĩnh vực như đã nói trên đây. Thế nhưng cơ chế “hai cấp” của các ĐH đa lĩnh vực thậm chí đã được khẳng định và gắn với khái niệm “ĐH” ở Luật GDĐH năm 2012, chỉ được xóa bỏ trong Luật GDĐH năm 2018.

Các ĐH “hai cấp” ở nước ta không phát huy được các thế mạnh của mô hình “university” như đã nêu trên đây. Trước hết, các trường thành viên đều là các trường đơn ngành, đơn lĩnh vực, lại liên kết với nhau rất lỏng lẻo, hầu như hoàn toàn độc lập về đào tạo, nên ưu thế về việc nâng cao chất lượng đào tạo theo chương trình giáo dục khai phóng không thể hiện được. Cũng vậy, trong lĩnh vực nghiên cứu, phục vụ xã hội và đáp ứng thị trường lao động, quan hệ lỏng lẻo giữa các trường thành viên rất khó tạo nên sự phối hợp để tăng hiệu quả. Chính vì sự kém hiệu quả của các mô hình ĐH quốc gia và ĐH vùng nên Ngân hàng Thế giới (WB) đã có một văn bản góp ý chính thức khi xây dựng Luật GDĐH 2018 đề nghị điều chỉnh các mô hình đó [The World Bank team…, 2018].  Trước hết họ nói đó là mô hình duy nhất độc đáo tại Việt Nam (“is unique to Vietnam”) và không thấy ở bất kỳ nước nào trên thế giới (“We have not come across this set up in any country in the world”). Nói theo ngôn ngữ thông thường, đó là một mô hình “không giống ai” trên thế giới, và có nhiều nhược điểm.  Theo họ, các nhược điểm đó là: “không tận dụng được hết ưu thế về tài năng, kiến thức, và tiềm lực hiện có bị phân tán trong một số lớn các cơ sở tách biệt. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng các cơ sở ĐH phi tập trung hoạt động kiểu như các trường thành viên độc lập gắn kết yếu gặp thách thức lớn nhằm chuyển đổi và tăng cường hoạt động bởi vì mỗi trường thành viên đều có kế hoạch và ưu tiên của riêng mình, không nhất thiết gắn chặt với mục tiêu chung của ĐH lớn. Sự thiếu tích hợp làm cho chúng không thể tạo nên một sự đồng nhất cốt lõi và một tình cảm chung về mục đích.  Khi không có một tầm nhìn chung, nhiệm vụ thiết kế và thực hiện một dự án phát triển đổi mới cho toàn bộ trường ĐH trở thành bất lực. Các cơ sở ĐH phi tập trung có xu hướng trở thành không hiệu quả vì sự trùng lặp của việc cung cấp các khóa học và các cấu trúc hành chính. Các hoạt động trong giảng dạy và nghiên cứu vẫn được giữ trong nội bộ các trường và khoa riêng biệt. Những nỗ lực đa ngành bị cản trở.  Các nguồn lực tài chính và khoa học không được chia sẻ rộng rãi.”  Các nhận xét đó thể hiện khá đầy đủ nhược điểm của mô hình ĐH hai cấp mà chúng tôi đã nhiều lần phát biểu [Lâm Quang Thiệp, 2017, 2018].
Rõ ràng việc hai ĐH lớn nhất ở nước ta không được xây dựng theo mô hình “university” thật sự  là một cản trở lớn để chúng phấn đấu trở thành ĐH đẳng cấp thế giới.

4.    Bài học từ Trung Quốc
Từ  khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 đến thời kỳ cải cách mở cửa GDĐH Trung quốc được xây dựng theo mô hình Liên Xô.  Từ năm 1980, trong xu thế mở cửa và cải cách từ mô hình kinh tế “kế hoạch hóa tập trung đông cứng” sang mô hình “kinh thế thị trường xã hội chủ nghĩa năng động”, GDĐH Trung Quốc đã thực hiện những cải cách to lớn. Cải cách GDĐH Trung Quốc được thực hiện theo phương châm “tổng hợp tính, nghiên cứu hình,  khai phóng thức”, tức là xây dựng trường ĐH có tính tổng hợp (đa lĩnh vực), chú trọng nhiều đến hoạt động nghiên cứu, và đào tạo theo mô hình giáo dục khai phóng. Có thể lưu ý các thành tựu cải cách cụ thể sau đây, liên quan trực tiếp đến sự bứt phá trong  việc xây dựng các ĐH đẳng cấp thế giới đã nêu ở mục 1.
Về quản lý, xu hướng chung là tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường ĐH.  Nhằm tạo thuận lợi cho các trường ĐH hoạt động trong kinh tế thị trường, các trường ĐH được tổ chức lại. Phương châm tổ chức lại trường ĐH lớn là xây dựng thành ĐH đa lĩnh vực; tăng cường hoạt động nghiên cứu trong cả giáo chức và sinh viên; tạo lập mô hình mở trong quan hệ giữa các trường thành viên, các khoa ngành đào tạo, giữa trường ĐH với giới công nghiệp và xã hội, giữa trường ĐH và nước ngoài. Chẳng hạn, ĐH Bắc Kinh vốn bao gồm các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội kiểu “universitet” của Liên Xô cũ, cũng như ĐH Thanh Hoa vốn là một ĐH bách khoa với lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp, đều đã mở bổ sung thêm nhiều lĩnh vực khác để trở thành các “university” đa lĩnh vực theo kiểu phương Tây.
 Về đào tạo, Trung Quốc đã chuyển đổi hệ thống văn bằng theo mô hình Liên Xô trước kia sang mô hình 3 cấp bachelor, master và doctor của Hoa Kỳ. Về chương trình đào tạo cho cấp cử nhân, đã chuyển từ đào tạo theo diện chuyên môn hẹp sang đào tạo theo diện rộng, chú trọng đến phần kiến thức giáo dục đại cương để tạo kiến thức nền tảng, kỹ năng cơ bản, tầm nhìn rộng và tính nhân văn cho sinh viên. Với tinh thần đó, từ 1.400 ngành học ở cấp cử nhân trước kia đã giảm xuống còn 500 ngành học vào giữa thập niên 1990 và còn khoảng 300 ngành học vào đầu thế kỷ XXI. Đi đôi với cải cách về chương trình đào tạo là cải cách về phương pháp dạy và học theo hướng tăng cường phương pháp dạy theo cách giải quyết vấn đề và tăng cường sự tham gia tích cực của sinh viên vào quá trình dạy và học. Để tạo sự mềm dẽo và thích ứng của chương trình giảng dạy đối với từng cá nhân sinh viên, Trung Quốc đã áp dụng hệ thống tín chỉ trong việc xây dựng chương trình đào tạo ĐH.
Song song với việc đại chúng hóa GDĐH, từ khoảng 7 triệu sinh viên năm 1998 đã tăng lên khoảng 27 triệu [Ma Xiaoying, 2008] vào năm 2007, Trung Quốc đã tập trung xây dựng các trường ĐH hàng đầu. Vào năm 1995, Chính phủ Trung Quốc đưa ra Dự án 211 nhằm xây dựng cỡ 100 trường ĐH hàng đầu Trung Quốc vào đầu thế kỷ XXI, với 3 mục tiêu: 1) Tăng cường tiềm năng toàn diện của nhà trường; 2) Phát triển các ngành đào tạo chủ chốt; 3) Phát triển hệ thống dịch vụ công trong GDĐH (mạng internet, thư viện tư liệu, hệ thống thiết bị và phương tiện hiện đại sử dụng chung); trong hai kế hoạch 5 năm Dự án này được tài trợ hơn 4 tỷ US$ [U. Brandenburg, 2004]. Vào năm 1998, Dự án 985 lại được đề xuất với mục tiêu xây dựng khoảng 10 trường ĐH nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Pha đầu của Dự án (1998-2003) đầu tư khoảng hơn 1,5 tỷ US$ cho 10 trường ĐH hàng đầu, pha 2 của Dự án (2003-2008) đầu tư một lượng kinh phí lớn hơn cho 39 trường ĐH. Các trường ĐH hàng đầu thường được nhắc đến là trường ĐH Bắc Kinh, trường ĐH Thanh Hoa v.v… 
Hiện nay, Trung Quốc phân chia các trường ĐH hàng đầu làm 3 tầng: 1) Tầng trên cùng là hai ĐH Bắc Kinh và Thanh Hoa và 7 trường khác, trong đó có ĐH Triết Giang; 2) Tầng tiếp đến là 38 trường ĐH được Dự án 985 hỗ trợ; và 3) Tầng 3 là khoảng 100 trường ĐH được Dự án 211 hỗ trợ.

Qua các số liệu trên có thể thấy sự bứt phá về số lượng các trường ĐH đẳng cấp thế giới trong tốp 100 của Trung Quốc không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả của một quyết tâm cải cách và đầu tư rất mạnh mẽ, trong đó có việc chuyển đổi mô hình các trường ĐH thành ĐH đa lĩnh vực và đầu tư mạnh cho công tác nghiên cứu.  Tuy Trung Quốc đã đạt được thành tựu đáng nể, nhưng nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng sự tiến bộ về GDĐH của Trung Quốc cũng sẽ khó bền vững vì ở đó thiếu tự do học thuật [Du Xiaoxin, 2019]. 

5.    Muốn thay đổi hệ thống cần có quyết tâm cao
Qua những phân tích trên đây có thể thấy muốn giảm bớt những cản trở trên con đường phấn đấu để có các trường ĐH đẳng cấp thế giới, chúng ta cần thay đổi hệ thống GDĐH và nghiên cứu và điều chỉnh các mô hình ĐH để có các ĐH đa lĩnh vực thật sự. Các điều chỉnh này liên quan đến toàn hệ thống, và trước hết liên quan đến các trường ĐH hàng đầu.
Với tính bảo thủ nặng nề của hệ thống, quá trình thay đổi này không đơn giản, việc thay đổi chỉ có thể thành công nếu có quyết tâm mạnh mẽ ở cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước.
Hy vọng với nhận thức về tầm quan trọng của GDĐH đối với quốc gia trong thời đại kinh tế tri thức, thời đại mà các trường ĐH là các thực thể trung tâm của xã hội, những người có trách nhiệm lãnh đạo ở nước ta cảm nhận được vấn đề và có quyết tâm cao để thực hiện sự thay đổi.  
Hà Nội, 5/2019
___________________
TÀI LIỆU DẪN
1.     Philip G. Altbach. The Dilemmas of Ranking, International Higher Education, Boston College, No 42, 2006.
5.      Science policy of the United States – Wikipedia, 2019.
6.     Science The Endless Frontier - A Report to the President by Vannevar Bush, Director of the Office of Scientific Research and Development, July 1945 - (United States Government Printing Office, Washington: 1945) - http://www.nsf.gov/od/lpa/nsf50/vbush1945.htm
7.     Lâm Quang Thiệp, D. Bruce Johnstone, Philip G. Albach hiệu đính, Giáo dục đại học Hoa Kỳ, tái bản lần thứ 1, NXB Giáo dục, 2007.
8.     Lâm Quang Thiệp. Sự trở lại của giáo dục khai phóng, Hội thảo "Đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng", Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh 2/11/2018.
9.     The World Bank team, 2018. Comments on Vietnam HE Law amendment draft, 29/4/2018.
10.  Lâm Quang Thiệp, 2017. Đại học đa lĩnh vực thành công trên thế giới, nhưng sao gặp "sự cố" ở ta? Giaoduc.net, 15/09/17.
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dai-hoc-da-linh-vuc-thanh-cong-tren-the-gioi-nhung-sao-gap-su-co-o-ta-post179666.gd
11.  Lâm Quang Thiệp, 2018. Mô hình đại học đa lĩnh vực và việc triển khai xây dựng ở nước ta. Tap chí Khoa học và Công nghệ - Tháng 2 năm 2018.
http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn/epaper/view-pdf.php?year=2018&no=3
12.  Ma Xiaoying and Malcolm Abbott, 2008. China's Tertiary Education Expansion.  Boston College, International Higher Education, N0 53.
13.  Uwe BrandenburgJani Zhu, 2004. Higher Education in China in the light of massification and demographic change.  http://www.che.de/downloads/Higher_Education_in_China_AP97.pdf.
14.  Du Xiaoxin. Critical Thinking and Ideology in Chinese Higher Education. International Higher Education, Boston College, No 97, 2019.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sách "ĐO LƯỜNG TRONG GIÁO DỤC - LÝ THUYẾT VÀ ỨNG DỤNG"

PHẦN MỀM VITESTA VÀ VIỆC PHÂN TÍCH KẾT QUẢ TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN

Đổi mới giáo dục đại học - thập niên đầu tiên