TỰ CHỦ ĐẠI HỌC - HỘI ĐỒNG TRƯỜNG VÀ CƠ QUAN CHỦ QUẢN

 

TỰ CHỦ ĐẠI HỌC -

HỘI ĐỒNG TRƯỜNG VÀ CƠ QUAN CHỦ QUẢN

LÂM QUANG THIỆP
Trường Đại học Thăng Long

Tham luận tại Hội thảo “Đổi mới tư duy về quản lý nhà nước với nền giáo dục đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam và Viện Nghiên cứu và Phát triển Phương Đông, Phú Yên, 13/6/2020.

Tự chủ đại học là một chủ đề có lẽ được đề cập đến nhiều nhất trong cộng đồng giáo dục đại học (GDĐH) nước ta vào những năm gần đây. Bài viết này sẽ nhắc lại ngắn gọn về lịch sử và cơ sở lý luận của vấn đề, tình trạng triển khai tự chủ đại học ở nước ta qua việc áp dụng thể chế hội đồng trường (HĐT), và đề xuất một số phương hướng xử lý những khó khăn và thúc đẩy việc áp dụng tự chủ đại học trong hệ thống GDĐH nước ta.   

 

1. Một chủ đề không mới

Tự chủ đại học là một chủ đề không hề mới, nó được nói đến rất nhiều trên thế giới và ở nước ta, và chắc sẽ còn được bàn cãi tiếp tục và mãi mãi, khi nào trên đời này còn tồn tại trường đại học.

Các loại nhà trường khác nhau đã ra đời trên thế giới cách đây gần ba nghìn năm, nhưng khi tìm cách xác định thời điểm ra đời của trường đại học, các nhà nghiên cứu lịch sử GDĐH phương Tây đã thống nhất với nhau rằng khi nào xuất hiện loại nhà trường có quyền tự chủ (đối với nhà nước và nhà thờ), thì xem như bắt đầu có trường đại học [The History of Higher Education, 1997]. Ở châu Âu đó là vào khoảng thế  kỷ thứ 12, với trường Bologna ở Ý và một số trường khác ở Anh, Pháp.  Tuy nhiên, khái niệm tự chủ đại học được nhắc đến nhiều nhất với sự ra đời của đại học kiểu Humboldt vào đầu thế kỷ 19 ở Đức, với các tiêu chí: tự chủ, tự do học thuật và gắn kết giữa giảng dạy với nghiên cứu [Lâm Quang Thiệp, 2018].  

Vận dụng kinh nghiệm quốc tế, trong thập niên đầu đổi mới sau năm 1986 ở nước ta, khái niệm quyền tự chủtrách nhiệm giải trình của trường đại học đã được đưa vào Luật Giáo dục đầu tiên năm 1998 (lúc đó cụm từ sau còn được gọi là tự chịu trách nhiệm). Để đảm bảo thực thi các khái niệm đó trong các cơ sở GDĐH, thực thể Hội đồng trường được đưa vào Điều lệ trường đại học đầu tiên năm 2003.  Tuy nhiên khái niệm Tự chủ đại học và thể chế Hội đồng trường trong nhiều năm vẫn không đi vào được cuộc sống vì những cơ chế còn tồn tại từ thời kỳ bao cấp trước đổi mới. Cơ chế kìm hãm các trường đại học nặng nề nhất là cơ chế bộ chủ quảntrường trực thuộc. Theo cơ chế này Bộ chủ quản có quyền quyết định hầu như toàn bộ các vấn đề tài chính và tổ chức, nhân sự của trường đại học trực thuộc, nhà trường chỉ còn nhiệm vụ thực thi. Để tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH phát triển, trong khoảng hai thập niên qua một quá trình vận động điều chỉnh luật lệ đã liên tục diễn ra.

 

2. Nhắc lại cơ sở lý luận về quản trị và quản lý cơ sở GDĐH theo thông lệ quốc tế          

Để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của một tổ chức dân chủ, việc quản trị và quản lý đòi hỏi đồng thời hai loại cơ chế: một cơ chế kiểu hội đồng để chỉ đạo hướng phát triển, tức quản trị, và một cơ chế để điều hành việc thực hiện, tức quản lý. Dưới đây chúng tôi xin tóm tắt các cơ chế đó. Mô tả đầy đủ hơn có thể tham khảo ở [Lâm Quang Thiệp, 2013].

Cơ chế thứ nhất bao gồm những người được bầu chọn, đại diện cho những nhóm người có lợi ích liên quan (stakeholders), quan hệ với nhau bình đẳng theo chiều ngang, chỉ đạo tổ chức bằng những nghị quyết của tập thể hội đồng.  

Cơ chế thứ hai có cấu trúc kiểu tập quyền, tầng bậc (hierachical), quan liêu (bureaucratic), quan hệ theo kiểu trên dưới theo chiều đứng (cấp trên cử người quản lý cấp dưới, cấp dưới tuân thủ cấp trên), điều hành công việc bằng quyết định của cá nhân người phụ trách.  

Trong trường ĐH cơ chế thứ nhất chính là HĐT, cơ chế thứ hai là bộ máy lãnh đạo và quản lý của hiệu trưởng.

·                     Tại sao cần phải có cơ chế kiểu HĐT? 

-           Để “định giá” sản phẩm và dịch vụ, vì cơ sở GDĐH hoạt động trong một thị trường không hoàn hảo.

-           Đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng, bảo vệ quyền lợi của các nhóm người có lợi ích liên quan;

-           Ra quyết định đa mục tiêu, tùy thuộc vào sở thích của người ra quyết định, người đó phải đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng;

-           Giảm sự tổn thất do giao quyền khi tách rời giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng;

-           Để dám đưa ra những quyết định chấp nhận sự rủi ro nhằm tạo nên sự đổi mới, phát triển cho tổ chức.   

·                     HĐT có các chức năng gì?

-           Làm cầu nối giữa chủ sở hữu cộng đồng (các nhóm người có lợi ích liên quan) và nhà trường.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            

-           Xây dựng chính sách, kế hoạch tổng thể, sử dụng chính sách làm công cụ để quản trị nhà trường. 

-           Lựa chọn hiệu trưởng có năng lực đứng đầu bộ máy điều hành;

-           Giám sát và đánh giá việc triển khai thực thi của hiệu trưởng đối với các chính sách và kế hoạch tổng thể đã được HĐT đề ra.

·                     Hiệu trưởng có vai trò và nhiệm vụ gì?

-           Hiệu trưởng đứng đầu bộ máy điều hành, có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng mọi chính sách và kế hoạch tổng thể mà HĐT đề ra;

-           Làm cầu nối giữa HĐT và mọi thành viên trong trường.

-           Chịu trách nhiệm giải trình (đại diện cho bộ máy) trước tập thể HĐT về các hoạt động của nhà trường, đảm bảo thành tựu của các chính sách được đề ra và không vi phạm những giới hạn điều hành đã được quy định.

·                     Quan hệ giữa HĐT với hiệu trưởng và các thành viên nhà trường

-           HĐT lãnh đạo và quản trị cơ sở GDĐH qua hiệu trưởng chứ không trực tiếp tác động đến bộ máy của hiệu trưởng, được thực hiện bằng nghị quyết của toàn thể HĐT chứ không phải từ các thành viên trong hội đồng. Hiệu trưởng có trách nhiệm giải trình với tổng thể HĐT chứ không phải với từng thành viên của hội đồng. Quan hệ giữa hiệu trưởng và các thành viên HĐT là quan hệ cộng sự, ngang hàng chứ không phải trên dưới. Quan hệ giữa chủ tịch HĐT và hiệu trưởng cũng là quan hệ ngang hàng, hỗ trợ nhau, chứ không phải trên dưới.

-           HĐT phải lãnh đạo chiến lược chứ không sa vào các quyết định chiến thuật, do đó khi đã có chính sách và kế hoạch tổng thể, HĐT phải giao quyền đầy đủ cho hiệu trưởng, không nên can thiệp vào việc điều hành cụ thể của hiệu trưởng.

-           Để đảm bảo cho nhà trường được vận hành như là một thực thể tự chủ và dân chủ, không nên để hai chức vụ này cho một người kiêm nhiệm.

 

3. Chỉ đạo của Đảng và Nhà nước nhằm khắc phục các cản trở hoạt động của HĐT

 

Thể hiện quản lý nhà nước đối với GDĐH, Đảng và Nhà nước đã đề xuất một số ý tưởng chỉ đạo về hoạt động của HĐT.

Từ năm 2005, Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới GDĐH của Chính phủ đã quy định “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở GDĐH  công lập”. Theo quy định này, khi đã đưa vào HĐT đại diện của bộ chủ quản thì sự quản trị của bộ chủ quản không được thực hiện trực tiếp nữa mà thông qua đại diện này.

Nghị quyết 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ lại nói rõ: “giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (HĐT)”.

Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 về tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập cũng chỉ đạo cần “nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế HĐT trong các trường đại học theo hướng HĐT là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học”, và quy định cụ thể “bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch HĐT”.

Qua các văn bản nêu trên có thể thấy các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã nhất quán chỉ đạo xóa bỏ bộ chủ quản và nâng cao vai trò của HĐT. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều khó khăn trên con đường thực hiện quyền tự chủ đại học nói chung và thể chế HĐT nói riêng.

 

4. Một số khó khăn trong việc áp dụng thể chế HĐT và phương hướng khắc phục

Thể chế HĐT đã được đưa vào Điều lệ trường ĐH của Việt Nam từ năm 2003 nhưng cho đến năm 2010 trong cả nước chỉ khoảng 10 trường ĐH có HĐT. Vấn đề HĐT cũng là một trong các vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất khi xây dựng Luật GDĐH. Sau khi được tiếp tục khẳng định trong Luật GDĐH năm 2012 và Điều lệ trường ĐH năm 2014, HĐT mới được thành lập ở nhiều trường ĐH (theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cho đến tháng 3 năm 2017 trong tổng số 169 cơ sở ĐH công lập có 58 cơ sở  có HĐT, chiến 34%). Tuy số lượng HĐT có tăng nhưng tác dụng của HĐT cũng còn rất nhiều hạn chế, có thể do các nguyên nhân sau đây:

·                     Cơ chế “bộ chủ quản” và “trường trực thuộc” vô hiệu hóa tác dụng của HĐT.

Thông thường bộ chủ quản chi phối mọi hoạt động của trường trực thuộc, đặc biệt là các quyết định quan trọng về tài chính và nhân sự cấp cao của trường. Với sự chi phối đó trường không còn mảnh đất nào để tự chủ và tất yếu dẫn đến cơ chế “xin, cho”. Khi luận bàn về quyền lực và trách nhiệm của HĐT, người ta thường nói quyền lực và trách nhiệm quan trọng nhất của nó là lựa chọn hiệu trưởng, và “HĐT chỉ có một người thừa hành duy nhất là hiệu trưởng” [John Carver, 2006], do đó khi quyền này thuộc về Bộ chủ quản thì thực tế HĐT đã bị vô hiệu hóa. Có thể nêu một ví dụ: theo quy định của Bộ GD&ĐT, thể hiện ở Quyết định 7939/QD-BGĐT ngày 20/11/2008, quyền đề cử hiệu trưởng các trường ĐH trực thuộc Bộ vẫn là chức năng của Vụ Tổ chức và Cán bộ của Bộ chứ không thuộc chức năng của HĐT.  Như vậy, sự không nhất quán về pháp quy là một trong những lý do vô hiệu hóa tác dụng của HĐT.

            Việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản cần được thực hiện theo hướng đã được đề xuất trong Nghị quyết 14/2005/NQ-CP đã nêu ở mục 3 và xem xét xóa bỏ tính không nhất quán về các các văn bản pháp quy.

·                     Vị thế của chủ tịch HĐT thường thấp hơn vị thế của hiệu trưởng cũng làm yếu HĐT.

Từ thống kê của Bộ GD&ĐT vào tháng 3/2017 trong 16 HĐT của các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT có 12 người là trưởng khoa hoặc trưởng phòng của trường, 4 người là phó hiệu trưởng trước đây. Rõ ràng “vị thế” của chủ tịch HĐT như vậy tất yếu ảnh hưởng đến “vị thế” của bản thân HĐT.

            Rõ ràng để HĐT hoạt động đúng tầm cần lựa chọn chủ tịch HĐT  có vị thế ít nhất ngang hàng với hiệu trưởng.

·                     Chưa có quan niệm thống nhất về chức năng khác nhau của của Đảng ủy và của HĐT.

Một lập luận phổ biến là, khi đã nói Đảng lãnh đạo toàn diện thì HĐT là không cần thiết, vì sự lãnh đạo của HĐT sẽ chồng chéo với sự lãnh đạo của Đảng ủy cơ sở GDĐH. Tuy nhiên, có hai ý kiến phản bác lại lập luận này. Một là, HĐT là đại diện của của sở hữu cộng đồng, bao gồm các phía có lợi ích liên quan của cả bên trong và bên ngoài trường ĐH, còn Đảng ủy chỉ đại diện cho tổ chức Đảng bên trong nhà trường. Hai là, HĐT là cơ quan quyền lực, lãnh đạo cụ thể, còn Đảng ủy là cơ quan lãnh đạo về chính trị tư tưởng.  Hơn nữa, trong một hội thảo về quản trị GDĐH, một cán bộ cao cấp chuyên nghiệp của Đảng đã phân tích như sau: Đảng lãnh đạo dựa vào hệ thống giá trị mà Đảng theo đuổi chứ không phải dựa vào sự áp đặt bằng quyền lực. HĐT là một thực thể quyền lực. Sự lãnh đạo của Đảng ủy sẽ hỗ trợ những quyết định đúng đắn của HĐT và ngăn chặn những quyết định không đúng đắn, do đó sẽ tạo sự đồng thuận trong nhà trường để nhà trường phát triển tốt. Nếu Đảng ủy dùng quyền lực của mình khi lãnh đạo trường đại học thì sẽ dễ bị thoái hóa. Chính trong thời kỳ hoạt động bí mật uy tín và hiệu quả lãnh đạo của Đảng rất cao vì phong cách lãnh đạo dựa vào hệ thống giá trị nói trên chứ không dựa vào quyền lực.

 

            Quy định bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch HĐT như Nghị quyết 19-NQ/TW là phương hướng hợp lý để khắc phục mâu thuẩn trên đây. Tuy nhiên, muốn vậy, khi bầu cử bí thư Đảng ủy cần chú ý lựa chọn ứng viên có trình độ khoa học thích hợp.

 

·                     Nhận thức của bản thân các thành viên HĐT còn hạn chế

Thật vậy, phần lớn các thành viên HĐT chưa hiểu rõ chức năng và thể thức hoạt động của HĐT cũng như trách nhiệm của từng thành viên.

            Quản trị là một khoa học. Sau khi thành lập HĐT, rất cần tổ chức các hội thảo hoặc các lớp tập huấn cho các thành viên HĐT trao đổi về cách thức hoạt động của HĐT và quan hệ giữa HĐT và bộ máy điều hành nhà trường. 

 

5.  Thể chế vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện

Mặc dù có những giải pháp cố gắng xử lý các vấn đề thể chế HĐT như đã nêu ở các mục 3 và 4, nhiều cản trở và khó khăn vẫn tiếp tục nảy sinh.  Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này ở chỗ đây là cơ chế tạo nên sự di chuyển về quyền lực, không phải bộ phận nào trong hệ thống GDĐH cũng dễ dàng chấp nhận sự dịch chuyển ấy, nên nảy sinh nhiều phản ứng không thuận lợi ở nhiều cấp độ khác nhau.  Các phản ứng này có thể liên quan đến nhận thức, cũng có thể gắn với lợi ích nhóm. 

Hãy lấy một ví dụ liên quan đến Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật GDĐH năm 2018 vừa mới ban hành ngày 30/12/2019.  Ở Điều 7 của Nghị định nói trên vẫn quy định cơ quan chủ quản (tuy gọi chệch là cơ quan quản lý trực tiếp)  có nhiều quyền quyết định bên trên HĐT chứ không phải chỉ cử đại diện tham gia HĐT.  Ví dụ này chứng tỏ những người soạn thảo Nghị định do những lý do khác nhau không thật thấm nhuần những chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về việc đảm bảo cho “HĐT là cơ quan có thực quyền cao nhất của trường đại học” như đã nêu ở mục 3.

 

***

Cộng đồng đại học thế giới quan niệm quyền tự chủ gắn với trường đại học từ khi có khái niệm trường đại học. Vận dụng kinh nghiệm thế giới, khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cũng được đưa vào GDĐH nước ta từ thập niên đầu của thời kỳ đổi mới. Việc hoàn thiện cơ sở pháp quy để thực thi quyền tự chủ của trường đại học, đặc biệt là thể chế HĐT, là một quá trình, diễn ra suốt hai thập niên vừa qua. Tuy nhiên, đây là một quá trình di chuyển quyền lực nên nó không xảy ra đơn giản, mà thực chất là một quá trình đấu tranh để khẳng định quyền lực. Quá trình đấu tranh đó sẽ làm cho hệ thống GDĐH nước ta ngày càng trưởng thành và mạnh mẽ hơn.

 

Hà Nội, tháng 6 năm 2020

 

_______________________________

 

I LIỆU DN

  1. The History of Higher Education, 1997. ASHE Reader Series, Simon & Schuster Custom Publishing. 
  2. Lâm Quang Thiệp, 2018. “Humboldt, Hoa Kỳ và Giáo dục đại học Việt Nam”, trong “Nghiệp vụ sư phạm đại học”, NXB Giáo dục. Có thể xem ở https://drive.google.com/file/d/1nDEKZKJ4qivdn4h3U1veiHa5d_MCAvjB/view

3.                3. Lâm Quang Thiệp, 2013. "Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học công lập nước                   ta".  Báo cáo thường niên giáo dục Việt Nam. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

4.                4. John Carver, Miriam Carver, 2006. Reinventing Your Board. Jossey-Bass Publishers.

______________________________________

 

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN MỀM VITESTA VÀ VIỆC PHÂN TÍCH KẾT QUẢ TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN

Sách "ĐO LƯỜNG TRONG GIÁO DỤC - LÝ THUYẾT VÀ ỨNG DỤNG"

Đổi mới giáo dục đại học - thập niên đầu tiên