NÊN ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN NHƯ THẾ NÀO?






NÊN ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN NHƯ THẾ NÀO?
LÂM QUANG THIỆP
Trường Đại
học Thăng Long
Tham luận tại Hội thảo “Các giải pháp ổn định, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên”, do Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam tổ chức, tại Đại học Sư phạm Hà Nội 2, 27/8/2019.

Việc đào tạo giáo viên ở nước ta, bên cạnh những thành tựu, còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong hàng chục năm qua tình trạng khi thừa khi thiếu giáo viên xảy ra thường xuyên [Nguyễn Thị ThuThủy, 2019]. Có những năm tình trạng đó trầm trọng đến mức một số trường đại học sư phạm không tuyển được sinh viên, giảng viên không có việc làm. Đó là chưa kể đến việc trình độ giáo viên không đáp ứng kịp sự tiến bộ của khoa học và công nghệ. Tình hình nêu trên đặt vấn đề cần cấp bách đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên.
Bài viết này nêu một số ý kiến đóng góp về phương hướng đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên, từ ba góc độ: mô hình cơ sở đào tạo giáo viên, quy trình đào tạo giáo viên và việc quản lý chất lượng và cung cầu.

1.              MÔ HÌNH CƠ SỞ ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN

Cho đến nay hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên ở nước ta được xây dựng theo mô hình Liên Xô cũ: các trường đại học và cao đẳng sư phạm đơn lĩnh vực khép kín. Các trường “đại học sư phạm” đó cũng không phải là “đại học giáo dục”, vì chúng được phân chia thành các khoa chủ yếu theo môn học phải dạy ở trường phổ thông, rất ít các khoa chuyên về khoa học giáo dục. 
Sở dĩ ở Liên Xô cũ các trường đại học được xây dựng theo mô hình đơn ngành, đơn lĩnh vực khép kín vì mô hình đó phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung: chương trình đào tạo đại học liền một mạch theo chuyên môn hẹp, người tốt nghiệp được nhà nước phân phối vào các cơ sở kinh tế quốc doanh hoặc cơ quan nhà nước. Khi chuyển qua kinh tế thị trường, mô hình nhà trường và quy trình đào tạo đó trở thành không phù hợp, nên nhiều nước có kinh tế chuyển đổi đã chuyển các trường đơn lĩnh vực thành đa lĩnh vực. Ngay ở Nga phần lớn các “inxtitut” đơn ngành cũng chuyển thành các “universitet” hoặc “academia” đa ngành, đa lĩnh vực. Cũng như một số  nước khác, ở Trung Quốc, các trường đại học sư phạm cũ đã chuyển thành các trường đa lĩnh vực, tuy vẫn giữ danh hiệu là các trường sư phạm [Bộ GD&ĐT, 2019].   
 Trong thời kỳ đầu đổi mới giáo dục đại học, Nhà nước ta cũng đã có chủ trương xây dựng các trường đại học mạnh theo mô hình đa lĩnh vực (các đại học quốc gia và đại học vùng), tuy tiến trình diễn ra không hoàn toàn suôn sẻ, dẫn đến hình thành các đại học “hai cấp”. Các trường đại học sư phạm thì phần lớn vẫn duy trì mô hình đại học đơn lĩnh vực khép kín, trừ một số trường đã chủ động thực hiện đa lĩnh vực hóa và đổi tên (Đại học Vinh, Đại học Hải Phòng, Đại học Quy nhơn).
Sở dĩ đại học đa lĩnh vực là mô hình trường đại học tối ưu trong nền kinh tế thị trường vì mô hình đó: 1) giúp trang bị tốt nền tảng giáo dục khai phóng (đào tạo theo diện rộng, coi trọng giáo dục đại cương); 2) thuận lợi trong nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội; 3) dễ thích nghi với biến động của thị trường nhân lực [Lâm Quang Thiệp, 2018].
Có thể thấy một lý do quan trọng tạo nên khó khăn trong tuyển sinh ở các trường đại học sư phạm là ở mô hình trường sư phạm đơn lĩnh vực khép kín. Vì vậy, trong điều kiện định hướng thị trường việc đào tạo giáo viên nên triển khai trong các trường đại học đa lĩnh vực chứ không nên co cụm trong các trường đại học sư phạm đơn lĩnh vực khép kín.

2.              QUY TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN

Đối với bậc trung học, trên thế giới thường có hai quy trình đạo giáo viên: đào tạo song song và đào tạo nối tiếp. 
Đào tạo song song là cách thực hiện đào tạo môn học và đào tạo nghiệp vụ sư phạm đồng thời trong suốt chương trình đại học. Theo quy trình này sinh viên được định hướng sư phạm ngay từ lúc bước vào đại học, chương trình môn học ở đại học bám sát chương trình môn học ở bậc phổ thông.
Đào tạo nối tiếp là đào tạo môn học trước, thường ở hai năm đầu đại học, đào tạo nghiệp vụ sư phạm sau, thực hiện ở hai năm cuối đại học. Một kiểu đào tạo nối tiếp nữa là đào tạo môn học ở chương trình cử nhân, và đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở chương trình cao học. Ý tưởng của quy trình đào tạo nối tiếp này là trang bị cho sinh viên tiềm năng khoa học để họ vận dụng trong quá trình hành nghề chứ không phải “cầm tay chỉ việc”, đào tạo họ thành nhà giáo dục chứ không phải “thợ dạy” (như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020).
Ưu điểm của đào tạo song song là sinh viên được “cầm tay chỉ việc” trong giảng dạy, dễ có các thao tác sư phạm tốt ngay từ khi ra trường.  Nhược điểm của đào tạo song song, một là kiến thức môn học của sinh viên không thật sâu sắc, hai là sinh viên khó chuyển đổi nghề nghiệp khi có biến động của thị trường nhân lực.
Nhược điểm của đào tạo nối tiếp có thể là giai đoạn đầu hành nghề người giáo viên chưa thật thành thạo việc giảng dạy, họ cần một thời gian để thích nghi. Tuy nhiên ưu điểm của đào tạo nối tiếp là giáo viên hiểu sâu về môn học cũng như những kiến thức về khoa học giáo dục để vận dụng có hiệu quả trong suốt cuộc đời giảng dạy.   
Mô hình đào tạo song song thường được thực hiện trong các trường đại học sư phạm đơn lĩnh vực khép kín, mô hình đào tạo nối tiếp lại được lựa chọn ở những nước đào tạo giáo viên trong các đại học đa lĩnh vực, hoặc ở các nước không có các trường đại học sư phạm mà chỉ có các khoa giáo dục trong đại học đa lĩnh vực (như Hoa Kỳ) [Bộ GD&ĐT, 2019].
Nếu xét theo định hướng thị trường thì đào tạo giáo viên theo mô hình nối tiếp phù hợp hơn và có hiệu quả hơn.

3.              QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VÀ CUNG CẦU

·                Quản lý chất lượng đào tạo giáo viên cần chú ý đến đầu vào và quá trình đào tạo.
Muốn đầu vào tốt, tức là tuyển được những sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, cần có chính sách vĩ mô tạo nên sự hấp dẫn của nghề giáo viên. Trên thế giới có nhiều nước quy định giáo viên có mức lương cao, chẳng hạn nghề giáo viên ở Đài Loan có mức thu nhập cao hơn khoảng 20%-30% so với các ngành nghề khác, hoặc ở Hàn Quốc mức lương khởi điểm và mức lương khi về hưu của giáo viên đều cao hơn các mức trung bình tương ng của các nước OECD [Bộ GD&ĐT, 2019]. Ngoài ra, có thể đưa ra các chính sách ưu tiên đối với sinh viên sư phạm khi cho vay và cấp học bổng trong quá trình học tập.  
Muốn quá trình đào tạo tốt cần tạo cơ hội cho sinh viên sư phạm được học ở những môi trường đào tạo tốt nhất. Quy trình đào tạo nối tiếp chính là sự đảm bảo để sinh viên sư phạm được học các môn học ở các khoa khoa học cơ bản, nơi thường có các giáo sư giỏi nhất. Ngoài ra, cần tạo một cơ chế liên thông nhằm đảm bảo cho sinh viên các chương trình cử nhân khoa học cơ bản được học nối tiếp ở các trường đại học sư phạm, hoặc sinh viên các trường kỹ thuật nông, công nghiệp được học nối tiếp ở các trường đại học sư phạm kỹ thuật để trở thành giáo viên.
·                Quản lý cung cầu có thể theo hai cơ chế: cơ chế đặt hàng và cơ chế dựa vào tín hiệu của thị trường.
Người đặt hàng cho các trường sư phạm có thể là Bộ GD&ĐT hoặc các Sở GD&ĐT, căn cứ vào dự báo nhu cầu  về các loại giáo viên và các bậc học. Hiển nhiên muốn đặt hàng chính xác  phải dự báo đúng nhu cầu giáo viên. Nếu việc đặt hàng được kèm theo các điều kiện cung cấp tài chính thì càng tốt.    
Nếu theo cơ chế dựa vào tín hiệu của thị trường thì cần đảm bảo cho sinh viên có thể tự điều chỉnh ngành nghề. Đào tạo nối tiếp chính quy trình tạo cơ hội cho sinh viên lựa chọn chính xác ngành nghề sau hai năm đầu đại học.  Cơ chế tín dụng ưu đãi cho sinh viên sư phạm và miễn hoàn trả sau khi tốt nghiệp nếu họ hành nghề sư phạm cũng giúp sinh viên điều chỉnh theo thị trường.

4.              KẾT LUẬN, KHUYẾN NGHỊ

Từ các phân tích trên đây có thể rút ra một số kết luận và đề xuất các khuyến nghị cho việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống đào tạo giáo viên ở nước ta như sau:
·                Không nên duy trì việc đào tạo giáo viên trong các trường đại học sư phạm khép kín. Để cho các trường đại học sư phạm tự chủ phát triển thành các đại học đa lĩnh vực, trong đó  có thể ưu tiên lĩnh vực sư phạm.
·                Nên lựa chọn mô hình quy trình đào tạo nối tiếp, đặc biệt đối với giáo viên phổ thông trung học. Khi tiềm lực kinh tế của đất nước đảm bảo, nên ưu tiên đào tạo giáo viên phổ thông trung học theo mô hình: cử nhân khoa học cơ bản + cao học nghiệp vụ sư phạm.
·                Nên ban hành quy chế liên thông giữa các trường đại học khoa học cơ bản và kỹ thuật công, nông nghiệp tương ứng với các trường đại học sư phạm và sư phạm kỹ thuật.
·                Nên có chính sách tín dụng và học bổng ưu tiên cho sinh viên sư phạm, chính sách miễn hoàn trả tín dụng nếu họ hành nghề sư phạm.
·                Nhà nước cố gắng nâng hệ thống lương giáo viên ở mức độ có thể.

Hà Nội, 8/2019
________________________

TÀI LIỆU DẪN
1.              Nguyễn Thị Thu Thủy, 2019. Sự cần thiết đổi mới mô hình đào tạo giáo viên ở Việt Nam. Hội thảo Sắp xếp mạng lưới giáo duc – đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế , đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên  đầu của thế kỷ 21”, Hà Nội, 12/6/2019.
2.              Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2019. Dự thảo “Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm
3.              Lâm Quang Thiệp, 2018. “Mô hình đại học đa lĩnh vực và việc triển khai xây dựng ở nước ta”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ - tháng 2/2018.


Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN MỀM VITESTA VÀ VIỆC PHÂN TÍCH KẾT QUẢ TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN

Sách "ĐO LƯỜNG TRONG GIÁO DỤC - LÝ THUYẾT VÀ ỨNG DỤNG"

Đổi mới giáo dục đại học - thập niên đầu tiên