TỰ CHỦ ĐẠI HỌC VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
TỰ
CHỦ ĐẠI HỌC VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
(Tham luận
tại Hội thảo khoa học về “Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập”
tại trường đại học Tôn Đức Thắng thành phố Hồ Chí Minh 15/11/2019)
tại trường đại học Tôn Đức Thắng thành phố Hồ Chí Minh 15/11/2019)
LÂM QUANG THIỆP
Bài
viết này bàn về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, cặp khái niệm sóng đôi
gắn với giáo dục đại học (GDĐH), cũng xem xét các khía cạnh của toàn cầu hóa và
hội nhập quốc thế trong thời đại hiện nay, mà việc triển khai thành công các hoạt
động đó đòi hỏi các trường đại học phải có quyền tự chủ.
1.
Khái
niệm tự chủ gắn liền với giáo dục đại học
Trong lịch sử loài người đã có các
loại nhà trường tồn tại từ mấy nghìn năm trước, ở cả phương Đông và phương Tây,
đặc biệt là các trường đào tạo quan chức cho nhà nước và các trường đào tạo cha
cố, tăng lữ cho tôn giáo. Như vậy các trường đại học xuất hiện lúc nào? Khi xem xét lịch sử GDĐH, các nhà nghiên cứu GDĐH
phương Tây đã đi đến một thỏa thuận: khi nào xuất hiện các nhà trường có quyền tự chủ (autonomy) thì xem như xuất
hiện GDĐH [Harold Perkin, 1997]. Với quan niệm đó, ở châu Âu, sau một thời gian
dài tồn tại và tranh giành quyền lực, chỉ vào
đầu thế kỷ 13 mới có một số trường
đạt được sự công nhận có quyền như vậy, đó
là các trường Salerno và Bologna ở Ý, Paris ở Pháp, sau đó là các
trường Oxford và Cambridge ở Anh.
Có thể nói sự thừa nhận của xã hội về quyền tự chủ của trường đại học là một thành tựu quan trọng trong cuộc đấu tranh lâu dài của cộng đồng GDĐH với các thế lực tôn giáo và các giới cầm quyền qua nhiều thời kỳ lịch sử. Quyền tự chủ của trường đại học mà một khía cạnh của nó là quyền tự do học thuật (academic freedom) gắn liền với bản chất của trường đại học - là nơi sáng tạo tri thức, nơi bảo tồn và chuyển giao văn hoá của dân tộc và của nhân loại. Để đảm bảo cho học thuật, tri thức được phát triển một cách khách quan trong suốt chiều dài của lịch sử, không bị thần quyền ràng buộc và các thể chế chính trị nhất thời cản trở, xã hội nói chung và thậm chí giới cầm quyền cũng chấp nhận quyền tự chủ nói trên trong khuôn viên trường đại học. Như vậy quyền tự chủ đại học gắn liền với hàm lượng trí tuệ cao của trường đại học.
2.
Quyền
tự chủ và trách nhiệm giải trình: cặp khái niệm sóng đôi
Tuy rằng xét về mặt lịch sử quyền tự chủ đại học đã đạt được sự công nhận như vậy, nhưng trong thực tế không bao giờ có một thứ quyền tự chủ tuyệt đối. Và để đảm bảo “tính an toàn” khi nói đến quyền tự chủ đại học, người ta thường gắn quyền tự chủ với một khái niệm sóng đôi với nó là trách nhiệm giải trình (accountability).
Quyền tự chủ và trách nhiệm giải
trình là hai mặt đi đôi với nhau không thể tách rời. Ở nhiều nước trên thế giới, khi đảm bảo quyền tự chủ cho các trường đại học người ta cũng đồng thời xây dựng một hệ thống hỗ trợ để nâng cao trách nhiệm giải trình của chúng. Với ý nghĩa đó, rõ ràng không thể có một quyền tự chủ tuyệt đối như một số người quan niệm. Ngay ở phương Tây, quan điểm tự chủ tuyệt đối cũng đã bị chính các học giả phương Tây đả phá:
“GDĐH đã từng được nhiều người xem như một “khu vườn kín”. Khả năng giao tiếp tốt hơn trong nước và quốc tế, và sự mở cửa rộng rải hơn trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác có nghĩa là các trường đại học không thể tiếp tục nấp sau tấm bình phong “tự do học thuật nữa”. Các trường đại học cần phải trình bày và giải thích rộng rãi cho xã hội biết họ muốn làm gì và đang làm những việc đó tốt như thế nào” [Frazer M., 1994].
Việc “trình bày và giải thích rộng rãi cho xã hội biết” nói trên chính là trách nhiệm giải trình.
3.
Toàn cầu hoá là xu thế không tránh khỏi và là quá trình bất đối xứng
·
Toàn cầu hoá (globalisation) và hội nhập (integration) là
những từ được nhắc đến rất nhiều trong các thập niên gần đây. Đó là xu hướng nổi
bật trong thời kỳ quá độ của nhân loại từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn
minh trí tuệ.
Chắc không cần phải
luận bàn nhiều, ở phạm vi thế giới, “toàn
cầu hoá ngày nay là một sự kiện không thể tránh khỏi của cuộc sống"
[Higher Education in XXI Century, 2000]. Nhiều người hết sức vui mừng vì đường
lối “mở cửa”, hội nhập đã đem lại bao nhiêu đổi thay cho đất nước ta, và hy vọng
càng mở cửa, càng hội nhập sự đổi thay sẽ càng diễn ra nhanh chóng theo chiều
hướng tốt đẹp.
Tuy nhiên, chúng ta
cũng cần tỉnh táo để suy ngẫm về những gì sẽ xảy ra đối với đất nước ta nói
chung và đối với nền GDĐH của ta nói riêng trước xu thế toàn cầu hoá và hội nhập.
·
Nguyên Tổng giám đốc UNESCO, F. Mayor, đã từng
nói: “Toàn cầu hoá là một quá trình bất đối xứng, với một số ít người thực hiện toàn cầu hoá (globalizers) còn đa số bị toàn cầu hoá (globalized)”
[Wang, 2001].
Rõ ràng tính bất đối
xứng đó thể hiện ở chỗ: những người chủ động thực hiện toàn cầu hoá và hội nhập,
cụ thể là các nước phát triển, sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích, còn những người
buộc phải thực hiện toàn cầu hoá và hội nhập, tức là các nước chậm phát triển,
sẽ phải chịu nhiều thua thiệt.
Theo
quan niệm trên của F. Mayor, chúng ta là loại người thứ hai, bị buộc phải thực
hiện toàn cầu hoá và hội nhập. Do đó, tất yếu trong tiến trình này chúng ta phải
chịu nhiều thua thiệt. Dù vậy, toàn cầu hoá và hội nhập là xu thế không thể
tránh khỏi, do đó, tìm hiểu các xu hướng của toàn cầu hoá để chủ động và tỉnh
táo đón lấy nó là cách ứng xử cần thiết, để giảm bớt thua thiệt và tăng thêm lợi
ích có thể đạt được.
·
Toàn cầu hoá mang lại cho nền GDĐH nước ta những cơ hội
chưa từng có: công nghệ thông tin và truyền thông giúp GDĐH nước ta nhanh chóng
tiếp cận với các nguồn tài nguyên giáo dục khổng lồ, đặc
biệt là tài nguyên mở; hệ thống giáo dục xuyên biên giới tạo cho công dân nước ta nhiều cơ hội học
tập;
khả năng giao lưu với các chuyên gia khoa học và giáo dục đẳng cấp thế giới được
mở rộng; cơ hội tiếp xúc và học tập các nền giáo dục tiên tiến tăng lên.
Tuy nhiên, toàn cầu hoá cũng đặt
GDĐH nước ta đứng trước những thách thức cực kỳ to lớn: khoảng cách giữa nước
ta với các nước phát triển có thể càng gia tăng, tình trạng thất thoát chất xám
từ nước ta ra các nước phát triển hơn có thể rất trầm trọng, GDĐH nước ta có thể
không đủ sức cạnh tranh với sự xâm nhập và sự thu hút của GDĐH các nước; quyền
lợi người học có thể bị xâm phạm, bản sắc văn hoá dân tộc và những giá trị truyền
thống có thể bị phai nhạt...
4.
Nên
hội nhập như thế nào?
Có hai kiểu hội nhập
chính: hội nhập qua các tổ chức liên kết phi thương mại (UNESCO là cơ quan có rất
nhiều cố gắng tạo nhiều liên kết cho kiểu hội nhập này) và hội nhập qua con đường
thương mại (mà các tổ chức và thể chế thúc đẩy chủ yếu là GATS-WTO - General
Agreement on Trade in Services - World Trade Organization).
Trước
hết, chúng ta cần tận dụng sự hội nhập nhờ các quan hệ phi thương mại. Để giảm bớt thất thoát chất xám, kinh nghiệm cho thấy cần
tăng cường xây dựng các trung tâm du học tại chỗ (trong nước, trong khu vực) mời
chuyên gia quốc tế đào tạo chất lượng cao, hoặc đào tạo đan xen (sandwich), đào
tạo qua các chương trình hợp tác nghiên cứu gắn kết các trường đại học nước ta
với các trường đại học nước ngoài. Chúng ta cũng cần tận dụng mọi khả năng thu
hút chuyên gia giỏi không chính thức từ nước ngoài hỗ trợ cho đào tạo và nghiên
cứu, chẳng hạn theo sáng kiến “Học giả xuyên biên giới” (Academics across Borders - AAB) của UNESCO thu hút đội ngũ giảng
viên đại học tự nguyện, hoặc sáng kiến của Hội các trường
đại học khối Thịnh vượng chung khai thác Cơ sở dữ liệu các học giả về hưu (Retired
Academics Database - RAD) [Synthesis Report…,
2003]. Và không kém quan trọng là việc
xây dựng chính sách đồng bộ thu hút chất xám từ Việt kiều và sử dụng
công dân Việt Nam học từ nước ngoài trở về đóng góp xây dựng đất nước. Để giảm thiểu xu hướng phai nhạt bản
sắc văn hoá dân tộc, các trường đại học nước ta cần tăng cường các chương trình
nghiên cứu và đào tạo các ngành đặc thù của quốc gia, đồng thời thu hút các nhà
nghiên cứu và học viên quốc tế đến với chúng ta.
Tiếp đến,
chúng ta cũng không loại trừ hội nhập qua con đường thương mại, nhưng cần triển
khai với sự thận trọng cần thiết. Việt Nam đã gia nhập tổ chức thương mại thế
giới (WTO) vào năm 2005, trong đó có thương mại dịch vụ (GATS). Như vậy chúng ta đã chính thức hội nhập theo con đường thương mại, kể cả thương mại dịch vụ,
trong đó GDĐH là một lĩnh vực dịch
vụ quan trọng.
Về GATS rất nên tham khảo quan điểm của cộng đồng GDĐH thế
giới. Vào năm 2001, các hiệp hội các trường ĐH Bắc Mỹ, châu Âu và thế giới đại
diện cho hàng nghìn trường ĐH đã ra đồng tuyên ngôn về GDĐH và GATS [Joint Declaration,
2001]. Tuyên ngôn có nhiều ý quan trọng,
chẳng hạn: - GDĐH tồn tại để phục vụ quyền lợi của công chúng và không phải là “hàng
hoá” (commodity); - Xuất khẩu GDĐH phải bổ sung chứ không huỷ hoại nỗ lực của
các nước đang phát triển nhằm nâng cao các hệ thống GDĐH quốc gia của họ; - Chất
lượng là một đối tượng chủ yếu đối với cả việc cung cấp GDĐH trong nước và xuất
khẩu GDĐH quốc tế, cần có cơ chế đảm bảo chất lượng thích hợp; - Các quốc gia cần đưa ra các thể chế để bảo vệ
người học. Quyết liệt hơn, P.G. Altbach, một chuyên gia GDĐH nổi tiếng của Hoa
Kỳ đã nói: “GATS sẽ buộc các nước với các nhu cầu và nguồn lực GDĐH khác nhau phải chấp nhận một nền GDĐH được
thiết kế để phục vụ quyền lợi của các hệ thống GDĐH và các tập đoàn cung cấp
giáo dục mạnh nhất - do đó nó chỉ tạo nên sự bất bình đẳng và phụ thuộc”. Ông viết: “Toàn cầu hoá về tri thức hiện vẫn đang hoạt động mạnh mẽ mà
không cần phải khoác chiếc áo của GATS và WTO. Chúng ta sẽ tiến lên một sự toàn
cầu hoá dựa trên sự bình đẳng chứ không
phải chủ nghĩa thực dân mới - mới (new-
neocolonialism)”. [Altbach P.G., 2002].
Các ý kiến trên của cộng
đồng GDĐH thế giới cần được lưu ý khi triển khai hội nhập qua con đường thương
mại.
5.
Muốn
hội nhập thành công, các cơ sở GDĐH cần có quyền tự chủ
Trong thời đại hiện nay, từ khi bước vào thế kỷ 21, nền
GDĐH thế giới biến đổi nhanh chóng, thể hiện ở 4 xu hướng: đại chúng hóa, thị
trường hóa, đa dạng hóa, và quốc tế hóa [Synthesis Report, 2003]. Ở phần lớn các nước phát triển GDĐH đã bước
vào giai đoạn phổ cập; còn tại nhiều nước đang phát triển GDĐH đã trở thành đại
chúng hóa, theo định nghĩa của Martin
Trow [Trow M., 1974]. Xu hướng thị trường hóa thể hiện ở các nước chuyển đổi mô
hình kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường, và đặc biệt rõ rệt khi
GATS có hiệu lực. Tính đa dạng hóa thể hiện ở nhiều loại hình GDĐH mới, đặc biệt
là các loại hình có áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới (NICT). Còn
xu hướng quốc tế hóa chính là hiện tượng toàn cầu hóa và hội nhập mà chúng ta
đang xét.
Với sự phát triển GDĐH đa dạng như vậy,
với các mối quan hệ quốc tế nhiều màu sắc, hoạt động toàn cầu hóa và hội nhập
quốc tế trở nên rất phức tạp. Chỉ có thể triển khai hội nhập quốc tế có hiệu quả
nếu nắm vững các nhu cầu và mục tiêu hội nhập cụ thể của bản thân cơ sở GDĐH, đồng
thời hiểu biết đầy đủ khả năng của các đối tác trên thế giới. Rõ ràng, chỉ khi các
cơ sở GDĐH có quyền tự chủ cao trong việc xác định sứ mạng, chức năng và kế hoạch
dài hạn của mình, trong việc chủ động tìm hiểu và kết nối với các đối tác ở nước
ngoài thì họ mới đạt được đầy đủ các hiểu biết toàn diện trên đây để thực hiện hội
nhập tốt.
Như vậy, tự chủ đại học là tiền đề
thiết yếu của sự hội nhập thành công.
Hà
Nội, tháng 10 năm 2019
♦
TÀI
LIỆU DẪN
1.
Harold Perkin, 1997. History of
Universities. In “The History of
Higher Education”, ASHE Reader Series, Simon & Schuster Custom
Publishing.
2.
Malcolm Frazer, 1994, Quality in Higher
Education: An International Perspective, trong: What is Quality in Higher
Education?, edited by Diana Green. Society for Research into Higher Education
& Open University Press, London.
3. Higher Education in the Twenty-first Century - Vision
and Action. 1998. World
Conference on Higher Education. UNESCO Paris. October 1998.
4. Wang Ybing, 2001. The
Mutual Recognition of Qualifications in University Mobility and Role of UNESCO. In “Mutual
Recognition of Qualifications - Practices, Challenges and Prospects in
University Mobility”, NIER, Japan, 2/2001.
5.
“Synthesis Report on Trends and Development in Higher Education since the
World Conference on Higher Education (1998-2003)”, UNESCO Paris, 2003.
6.
“Joint Declaration on Higher Education and the General Agreement on Trade
in Services”,
http://www.aucc.ca/_pdf/english/statements/2001/gats_10_25_e.pdf.
7.
Philip G.
Altbach, 2002.“Knowledge
and Education as International Commodities: The Collapse of the Common Good”,
International Higher Education, Summer 2002, Boston
College.
8. Trow M., 1974. “The Transition
from Elite to Mass Higher Education (Paris:
OECD).
_____________________________
Nhận xét
Đăng nhận xét